ĐẶC SẢN BA MIỀN

0 Tết đến về miền Tây thưởng thức cá lóc quay



Đồng bằng sông Cửu Long rất dồi dào về tôm, cá. Cá lóc thường xuyên có ở chợ và luôn hiện diện phong phú trong các bữa ăn gia đình nơi đây như: cá lóc kho tiêu, kho mẳn (kho ngót), nấu canh chua, chưng tương, nướng trui… Nhưng, có một món ăn đặc biệt trong những ngày Tết, đó là món cá lóc đồng quay.
Cá lóc mua ở chợ phải lựa cá lóc đồng sống, từ 1 kg trở lên vì thịt cá sẽ dẻ dặt, rất ngon. Trước hết, cá lóc đem về dùng dao bén lạng da, cắt bỏ vi, kỳ, đuôi, moi bộ nội tạng ra làm sạch, để ráo, và cắt cá ra làm 2 phần: đầu và thân cá. Đầu cá để lại nấu món canh chua me truyền thống với các phụ liệu như: bạc hà, khóm, cà chua, giá sống, rau ngò om… Nêm nếm vừa khẩu vị. Món này ăn với bún hay với cơm thật “bắt”.
Còn mình cá thì ướp gia vị (ngũ vị hương + muối + đường + bột ngọt + củ hành tím + tỏi (bằm nhuyễn) để chừng 20 phút cho ngấm. Bắc chảo lên bếp phi mỡ (dầu) tỏi thơm rồi cho cá vào chảo chiên hơi vàng. Kế đến đổ nước dừa tươi vào ngập xâm xấp cá. Điều chỉnh ngọn lửa liu riu cho đến khi nước dừa rút cạn, thịt cá ngả màu vàng sậm là chín. Chỉ cần múc ra dĩa, rắc đậu phộng rang giã giập lên và nhớ chuẩn bị thêm: một dĩa rau sống (dưa leo, chuối chát, giá sống, rau thơm…), một dĩa bún, một dĩa bánh tráng nhúng, một chén nước mắm me pha hơi sệt là xong.
Nếu có dịp về đồng bằng sông Cửu Long nhân dịp xuân về, bạn thử vào quán gọi món cá lóc quay để thưởng thức. Cầm miếng bánh tráng nhúng đặt trên lòng bàn tay, gắp miếng thịt cá lóc cùng với bún, rau thơm, giá sống… cuốn lại chấm vào chén nước mắm me đưa lên miệng nhai một cách chậm rãi, ta sẽ “ngậm mà nghe” những hương vị ngọt, béo thơm ngon… của cá lóc đồng miền Tây cũng như tận hưởng được trọn vẹn “hương đồng gió nội” của mùa xuân đang tràn về ở nơi đây. Món này nếu “nhâm nhi” với bia lạnh, thật tuyệt vời.
Theo Lao Động
[Read More...]


0 Bánh gai, món ngon của người Tày, Nùng Cao Bằng



Bánh gai là một thứ quà quê quen thuộc với nhiều người. Bánh gai Hải Dương ngon có tiếng, bánh ít lá gai Nam bộ cũng thật hấp dẫn… nhưng bánh gai của người Tày, Nùng ở Cao Bằng thì phải nói khá là đặc biệt.
 
Bánh gai Cao Bằng gắn liền với một truyền thuyết. Người dân nơi đây vẫn kể rằng vào thời vua Lý Thái Tông (đầu thế kỷ 10), giặc Tống sang xâm lược nước ta, thủ lĩnh của người Cao Bằng là Nùng Trí Cao đã chỉ huy quân dân vùng biên ải đánh giặc. Đồng bào làm bánh gai cho các chiến binh đem theo làm lương khô ra trận. Bánh được xâu thành từng cặp để đeo bên người cho tiện cho nên người Tày, Nùng gọi là pẻng tải (bánh đeo). 

Gạo để làm bánh phải là loại nếp ngon, không lẫn tẻ, có vậy bánh mới mềm và dai, ăn không cứng. Nếp được ngâm chừng một buổi cho no nước, xay trong cối đá thành một thứ bột đặc sánh, đựng trong túi vải, treo lên cho róc nước.

Lá gai đã được hái về từ trước, tước bỏ gân lá, phơi khô. Lá khô đem ninh, khi đun bỏ thêm chút vôi tôi cho mau nhừ. Xong, rửa sạch, vắt khô, thái mịn. Đường phên (một loại đường thẻ, miếng to chừng bàn tay) đun cho sôi chảy rồi trộn với lá gai thành một thứ mật sền sệt. Người ta nhào mật này với bột cho đều rồi đem giã trong cối đá cho thật nhuyễn.

Bột giã xong có màu xanh đen, mịn màng, dẻo quánh. Mùi nếp, mùi mật, mùi lá gai quyện vào nhau thơm nức.

Bánh gai gói bằng lá chuối, hình dẹt. Nhân bánh gai được làm bằng lạc rang giã nhỏ hoặc đỗ xanh trộn đường. Bánh hấp trong chõ như đồ xôi. Từ lúc nước sôi cho đến khi bánh chín, chừng tàn

Khi ăn, không thể lột bỏ lá bánh một cách vội vàng được. Phải thong thả tước lá thành từng sợi để bánh khỏi dính theo lá. Chiếc bánh bóc ra đen nhánh, mịn màng như một lát thạch. Bánh có vị ngọt sắc của đường, vị dẻo thơm của nếp và lá gai, vị bùi của nhân đậu. Ăn không ngấy.

Bánh gai có thể để nhiều ngày mà không sợ mốc. Nếu để lâu, bánh khô, người ta có thể đem nướng trên than hồng, bánh nở phồng, ăn vẫn ngon. Hoặc có thể đem rán lại cho bánh mềm, ăn có vị ngon riêng.

Trước kia, người Cao Bằng thường chỉ làm bánh gai vào dịp rằm tháng bảy, vừa để cúng tổ tiên, ông bà vừa để ôn lại câu chuyện về những ngày hào hùng xưa kia. Bây giờ bánh trở thành một món quà dân dã, thường có bán trong những ngày chợ phiên, những quán nước. Khách nơi xa đến Cao Bằng bao giờ cũng mua lấy mươi cặp bánh gai đem về làm quà cho người thân, như để giới thiệu một chút văn hóa của một vùng đất biên cương.
[Read More...]


0 Món mèn mén của đồng bào Mông



Lúa và ngô là hai cây lương thực chính của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng núi cao. Trước đây, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, thì mèn mén là món ăn chính trong các bữa ăn hàng ngày của đồng bào dân tộc Mông.


Mèn mén được làm từ hạt ngô tẻ. Để có được món mèn mén, các gia đình người Mông thường phải đồ mèn mén vào sáng sớm để dành cho ăn cả ngày. Việc chuẩn bị làm mèn mén đòi hỏi tốn nhiều thời gian để thực hiện với các công đoạn: bóc vỏ, tách hạt ra khỏi lõi ngô, xay hạt ngô thành bột và sàng bỏ bớt vỏ (mày ngô). Sau khi có bột ngô vừa ý, người ta cho vào chõ và đặt chõ trong một cái chảo có nước vừa đủ để đồ.

Để thành món mèn mén người ta phải đồ hai lần. Đồ lần đầu để tẩm nước vào bột ngô, đồng thời cũng là để làm cho bột ngô tơi, không dính vào nhau. Bởi vậy, thời gian đồ lần đầu cần tính toán cho thích hợp với từng loại ngô (ngô non hay ngô già). Nếu là bột ngô già thì thời gian đồ cần lâu hơn. Nếu là bột ngô non thì chỉ sau khi nước ở trong chảo sôi, thấy hơi bốc nghi ngút lên miệng chõ là có thể bắc ra được.

Những người có kinh nghiệm đồ mèn mén thường không vội vàng mà phải dựa vào độ lửa cháy to hay nhỏ (vì lửa nhỏ thì lâu sôi, lửa to thì sôi nhanh). Khi bắc chõ ra khỏi chảo thì đổ bột ngô ra mẹt, dùng thìa gỗ đảo đi, đảo lại cho bột ngô tơi ra. Nếu không làm cho bột ngô tơi thì đồ lần sau bột ngô sẽ không chín kỹ, không thể có món mèn mén với vị thơm, dẻo và ngọt đậm đà, hơn nữa ăn sẽ bị đau bụng. Sau khi làm tơi và để nguội, người ta lại cho ngô vào chõ đồ lần hai và lần này phải đồ cho chín thật kỹ.

Khi ăn mèn mén, bà con thường dùng muôi gỗ để xúc mèn mén ra bát. Ăn mèn mén bao giờ bà con cũng kèm thêm một bát canh. Đối với bà con dân tộc Mông thì thường là canh bí. Ngày nay, cuộc sống dư dả, nhiều người đã lựa chọn thú vui đi du lịch tham quan, ngắm cảnh đẹp và còn được thưởng thức những món ăn truyền thống mang hương vị, sắc thái riêng, lạ của những vùng, miền nơi đặt chân đến, trong đó có món mèn mén. Đối với nhiều du khách, không cần phải những món “sơn hào hải vị”, mà chỉ đơn giản là để được gần gũi, biết thêm về cuộc sống vật chất, tinh thần của cư dân bản địa, để hiểu thêm những ý nghĩa, giá trị văn hoá của nó.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, cuộc sống của người Mông đã từng bước được nâng lên, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang ăn cơm là chính, nhưng những ngày lễ tết hoặc cưới hỏi, ma chay... thì vẫn không thể thiếu món mèn mén.

[Read More...]


0 Hành tây giòn



Chỉ cần thay đổi cách chế biến món ăn thường ngày, ta đã có ngay món chay lạ miệng nhưng vẫn đầy đủ các chất dinh dưỡng.



Mức độ: Dễ
Chuẩn bị: 5 phút
Chế biến: 15 phút
Nguyên liệu:
  • 2 củ hành tây
  • 1 quả trứng gà
  • 1 chén bột mì
  • 20g xà lách các loại
  • 1 quả cà chua bi
  • 1/2 thìa cà phê muối, 1/2 thìa cà phê tiêu, 1/2 thìa cà phê bột ớt
  • 1 thìa cà phê bột nổi, 1 chén nước lạnh, dầu để chiên
Các bước thực hiện: 
Bước 1
Hành tây rửa sạch, xắt khoanh dày. 
Cho bột mì, muối, tiêu, bột nổi, ớt bột vào chén, trộn đều, chia làm 2 phần, để riêng.
Tách trứng gà cho vào chén cũng với 1/2 hỗn hợp bột mì vừa trộn trên và nước lạnh. Đánh cho hỗn hợp tan đều.
Bước 2
Cho dầu ăn vào chảo, đun sôi.
Lấy hành tây áo qua hỗn hợp bột ướt, rồi lại áo qua lớp bột khô còn lại, cho vào chảo chiên giòn.
Sắp hành ra dĩa. Dùng nóng với rau xà lách và cà chua bi.
Mách nhỏ: 
Hành tây xắt khoanh tròn dày ít nhất 5 li, để nguyên miếng, không tách rời, khi chiên xong sẽ đẹp hơn. Nên ăn nóng, sẽ giòn và ngon hơn.
[Read More...]


0 Truyền thuyết về các món ăn may mắn



Trong văn hóa ẩm thực Việt Nam cũng xuất hiện những quan niệm và niềm tin về món ăn đem lại may mắn cho người thưởng thức. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở ý nghĩa món ăn hên xui, với triết l‎ý riêng người Việt đã nâng những món ăn đó lên thành giá trị văn hóa, tạo nên nét độc đáo cho ẩm thực dân tộc.

Không riêng gì người Việt ta, nhiều quốc gia khác nhau trong thế giới tâm linh cũng tồn tại quan niệm về thực phẩm may mắn như sủi cảo là món ăn may mắn của Trung Quốc, kim chi đem đến cho người Hàn Quốc điềm lành và niềm vui, cá là thức ăn không thể thiếu trong ẩm thực Nhật bởi họ coi đó là loài động vật thông minh mang đến sự năng động và sáng suốt trong cả năm… Tuy nhiên, với người Việt Nam, quan niệm đó dường như xuất hiện ở mọi vùng miền và mang những nét khác nhau trong mỗi dịp lễ, Tết.

 

Món ăn khai xuân

Niềm tin về thực phẩm may mắn được thể hiện rõ nhất vào các dịp lễ, Tết khi con người hi vọng ở năm mới thịnh vượng, chính vì thế món ăn khai xuân nhất định phải có ‎ý‎ nghĩa may mắn sâu sắc. Đó là chiếc bánh chưng xanh thể hiện lòng thành kính tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ cho năm mới tốt lành, là đĩa xôi gấc mang sắc màu may mắn, là mâm ngũ quả “Cầu, dừa, đủ, xoài, sung” với ‎ nghĩa “Cầu vừa đủ xài, sung túc”, là cặp dưa hấu đỏ au không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên mà theo quan niệm của ông cha ta những hạt “cát” trong quả dưa đồng âm với từ “cát” trong tiếng Hán có nghĩa là tốt lành…

Vào những ngày đầu năm mới, đặc biệt là sáng mùng 1 Tết người ta chỉ mời nhau những món ăn mà theo quan niệm là mang lại may mắn. Đó có thể là những món mang sắc màu tươi tắn như màu đỏ tượng trưng cho vận đỏ, màu vàng tượng trưng cho của cải đầy nhà hay những món ăn có ‎ ý nghĩa may mắn như canh khổ qua của miền Nam… Trái lại, để tăng thêm ‎ý nghĩa may mắn cho món ăn và ước nguyện “Cầu được ước thấy”, người ta cũng tránh những món ăn “xui” như những món màu đen hay những món theo quan niệm thường gắn với điềm xui như tuyệt đối không ăn mực, thịt chó, xôi đỗ đen vào đầu năm…


Không thể thiếu trong những dịp quan trọng

Không riêng gì ngày Tết, vào các dịp quan trọng như đám cưới, thi cử… quan niệm về thực phẩm may mắn cũng khá phổ biến.

Trong đám cưới của người Việt dù sang hay giàu, dù ở thành thị hay nông thôn thì cũng không thể thiếu miếng trầu đỏ thắm quyện với vôi nồng tượng trưng cho tình cảm chồng vợ son sắt. Với ‎ ý nghĩa đó người Việt tin rằng miếng trầu sẽ đem đến may mắn, vun đắp cho hạnh phúc trăm năm bền vững. Bên cạnh đó, đĩa xôi gấc cũng là món ăn chưa bao giờ vắng mặt trong cỗ cưới của người Việt Nam.

Thi cử cũng là sự kiện quan trọng của đời người, chính vì thế không có l‎ý gì vào dịp này món ăn may mắn không phổ biến. Quả đúng như thế, theo quan niệm của dân ta truyền tai nhau bao đời nay, đi thi chỉ nên ăn những món ăn may mắn như ăn đậu mà nhất quyết phải là đậu đỏ, ăn xôi gấc; nghiêm cấm ăn thức ăn mang vận đen như mực, thịt chó, trứng vịt lộn, có ăn trứng gà cũng chỉ ăn lòng đỏ… Nghe thì có vẻ nực cười, tuy nhiên với niềm tin và triết l‎ý‎ của mình người Việt tin rằng “Có kiêng, có lành”, những món ăn may mắn đó đã đem đến sự vững tin hơn để họ có thể đối mặt với mọi vấn đề của cuộc sống.


Và cả ngày thường

Khi đã có niềm tin thì niềm tin đó theo người Việt trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc mọi nơi. Bởi lẽ trước hiện thực cuộc sống, con người luôn mơ ước và khát khao thực hiện. Món ăn may mắn cho họ hy vọng và niềm tin hiện thực hóa ước vọng. Chính vì thế, không riêng gì lễ, Tết hay phải chờ đến những dịp quan trọng mà ngay cả trong cuộc sống thường ngày món ăn mang lại những điều tốt đẹp cũng luôn hiện diện.

Trước tiên đó là thói quen “giải đen” cuối tháng bằng thịt chó. Người Việt kiêng không bao giờ ăn thịt chó vào ngày đầu năm, đầu tháng, song họ tin rằng ăn thịt chó vào những ngày cuối năm, cuối tháng lại có thể xua đi vận đen đủi, “rửa sạch” rủi ro để bước sang năm mới may mắn hơn. Sang đến đầu tháng người ta thường ăn những món ăn như tiết canh với màu đỏ của huyết hi vọng cả tháng sẽ gặp nhiều điềm lành.

Thế mới nói, niềm tin về thực phẩm may mắn không chỉ dừng lại ở những món ăn may mắn đó còn là những món ăn giúp xua đi vận hạn, rủi ro. Xét ở khía cạnh nào đó, việc người Việt đi đêm thường mang theo mình nhánh tỏi, cành dâu cũng là từ triết l‎ý đó mà ra. Họ tin rằng nhánh tỏi, cành dâu đó sẽ giúp họ xua đi quỷ dữ, tà ma và mọi điều xấu xa trong đêm tối nhanh chóng đi đến ánh sáng để đón nhận điều tốt đẹp.

Qua món ăn may mắn cùng những triết l‎ý giản đơn đa phần xuất phát từ niềm tin, hi vọng, chúng ta như nhận ra nhiều điều, càng hiểu hơn cuộc sống tinh thần phong phú của người Việt. Niềm tin về thực phẩm may mắn như một giá trị truyền thống vô hình không chỉ phản ánh nét đẹp trong văn hóa ẩm thực nói riêng mà nó còn là điều bí ẩn về văn hóa Việt Nam nói chung.


Nguồn: Du lịch Việt

[Read More...]


0 Bánh nẳng - quà của núi rừng



Bánh nẳng là loại bánh dân dã thường được làm trong những ngày lễ tết của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Ở mỗi vùng niềm cách thức làm bánh nẳng có sự khác nhau tạo nên nét riêng biệt rất riêng cho hương vị bánh.

Nguyên liệu chính để làm nên bánh nẳng vừa dẻo thơm, vừa ngon mắt là gạo nếp và nước nẳng. Sự khéo tay của người đầu bếp được thể hiện ở khâu chế nước nẳng, bánh ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào điều này.
Những người phụ nữ khéo léo đang hoàn thành công đoạn gói chiếc bánh nẳng

Nước nẳng được chưng cất bằng các loại lá cây, vỏ cây, vỏ quả từ tự nhiên của rừng núi như: lá trầu không, cây đu đủ, cây mận, cây bưởi, vỏ chuối tiêu, vỏ quả sở … Các loại cây sau khi được phơi khô thì đốt thành than đem hòa với nước vôi sau đó gạn cho nước thật trong thì thành nước nẳng để dùng. Một cách hay được bà con áp dụng để kiểm tra xem nước nẳng đạt yêu cầu hay chưa thường dùng lá trầu không nhúng vào khoảng 15-20 giây, vớt ra và bỏ vào miệng nhai mà thấy nước bọt đỏ như nước nhai trầu là được.
Đối với gạo làm bánh nẳng phải là thứ nếp ngon, hạt tròn còn vương mùi nếp mới không dùng gạo nát, cần phải sàng sảy kĩ loại bỏ tấm đem vo sạch. Sau đó, đun cho nước nẳng sôi thêm một lần nữa, khi nước còn âm ấm thì đổ gạo vào ngâm khoảng sáu tiếng đồng hồ thì vớt ra đem gói.
Bánh nẳng phải được làm từ những hạt nếp đều, mẩy, ngon và thơm mùi nếp mới
Thông thường lá măng mai, lá dong hay lá chít đều có thể dùng gói bánh. Nhưng lá chít gói bánh nẳng là ngon nhất. Mỗi chiếc bánh nẳng nhỏ và được buộc lạt như bánh chưng Tày. Khi luộc phải đổ nước liên tục, nước phải ngập phần bánh trong nồi, không được để cạn, đến lúc sôi hạ nhỏ lửa để bánh chín rền hơn. Thời gian luộc càng lâu càng tốt, ít nhất 5 tiếng đồng hồ. Bánh luộc xong có màu vàng như mật, có vị đậm, mát.
Bánh nẳng làm xong có màu mật đậm, vị mát dịu đặc trưng
Bóc từng lớp lá chít ra người ăn đã cảm nhận được vị thơm ngon từ miếng bánh của núi rừng, mùi thơm của bột gạo nhẹ nhàng đầy quyến rũ kết hợp với vị mát dịu đặc trưng của các loại lá cây, mùi thoang thoảng của lá chít khiến bánh nẳng càng lôi cuốn hơn. Cầm miếng bánh chấm vào đĩa mật mía vàng óng hoặc đường đưa lên miệng sẽ thấy hương vị tinh túy nhất của trời đất ẩn trong bánh.
Theo Lao động
[Read More...]


0 Vịt rang me



Nguyên liệu:
- 1 con vịt
- 1 trái dừa
- 50g me chín
- 2 trái cà chua
- 1 củ gừng
- 2 muỗng canh rượu trắng.
- 1 chén tương hột xay
- Gia vị: tỏi, tiêu, muối, đường, bột ngọt, hành lá, ớt trái, dầu ăn.
Cách làm:
Vịt làm sạch, thoa hỗn hợp muối, gừng, rượu lên vịt ướp 10 phút rồi rửa sạch lại để khử bớt mùi. Chặt vịt ra thành miếng vừa ăn. Ướp thịt vịt với tỏi và hành băm, muối, đường, bột ngọt để cho vịt thấm gia vị. Thả vịt vào chảo dầu chiên cho đến khi vịt vàng giòn. Vớt thịt vịt qua một cái nồi, cho nước dừa và một phần nước lạnh vào, hầm cho đến khi vịt mềm.
Bắc chảo, cho vào 2 muỗng canh dầu ăn, phi tỏi thơm, để tương vào xào rồi rưới vào nồi thịt vịt nấu cho thấm, khi vịt mềm cho nước me dầm vào nấu sền sệt lại để có nước chấm. Nêm nếm lại sao cho vừa miệng.
Múc thịt vịt ra đĩa, quanh đĩa xếp cà chua cắt lát. Món này ăn với bánh mì và hành củ ngâm giấm, ăn lúc còn nóng rất ngon. 
Đông Xuân
Thanh Niên
[Read More...]


Recent Comments

Popular Posts

Return to top of page Copyright © 2011 | Platinum Theme Converted into Blogger Template by Hack Tutors